Thước lỗ ban là gì?

Ngày đăng: 21/09/2021 03:52 PM
    Với người làm việc trong ngành xây dựng - nội thất, chắc hẳn đã từng nghe đến thước lỗ ban. Tuy nhiên, việc nắm rõ công dụng của thước lỗ ban là gì, cách sử dụng ra sao thì không phải ai cũng biết. Bài viết dưới đây sẽ thông tin đến bạn những điều đặc biệt về dụng cụ độc đáo này.

    Có rất nhiều loại thước dùng để đo đạc trong xây dựng như thước thẳng, thước thủy, thước Eke… Thế nhưng khi nhắc đến thước lỗ ban thì một số người khá lúng túng không biết sử dụng thế nào. Cùng maihoadichso.com khám phá thêm về công cụ này nhé.

    Thước lỗ ban là gì?

    Thước lỗ ban là loại thước chuyên dụng dùng trong xây dựng nhà cửa và mộ phần. Trên thước lỗ ban có chia thông số đo lường và đánh dấu các cung giúp phân biệt khoảng tốt - xấu để người thợ chọn kích thước đẹp thiết kế hoặc biết khoảng cách xấu nào nên tránh theo quan niệm phong thủy. 

    Nguồn gốc ra đời của thước lỗ ban

    Theo tín ngưỡng từ xưa của người phương Đông, khi làm nhà, ai cũng mong muốn chọn kích thước đẹp, hợp phong thủy cho bàn thờ, cửa, bếp hoặc đồ dùng nội thất để rước tài vận. Hiểu được nhu cầu này, một người thợ mộc lừng danh của đất nước Trung Hoa cổ đại (770 - 476 TCN) tên Lỗ Ban đã sáng chế ra thước phong thủy có đánh dấu các mốc kích thước đẹp - xấu để thuận tiện trong việc đo đạc. Từ đó, người ta lấy tên ông làm tên gọi cho loại thước đặc biệt này.

    Ngày nay, ở Việt Nam và các nước phương Đông, thước lỗ ban được các kiến trúc sư, công nhân dùng chủ yếu trong xây dựng và thiết kế nội thất.

     

    Các loại thước lỗ ban

    3 Loại thước lỗ ban thông dụng nhất là:

    - Thước lỗ ban 52.2 cm (Thông thủy): Đo khối rỗng các khoản phong thủy trong nhà như lỗ thông gió, cửa chính, cửa sổ…

    - Thước lỗ ban 42.9 cm (Dương trạch): Đo khối đặc, các chi tiết trong nhà như đồ nội thất, kích thước bậc tam cấp, giường, bếp…

    - Thước lỗ ban 38.8 cm (Âm phần): Đo kích thước Âm trạch như mộ phần, đặc biệt là bàn thờ.

    Ở nước ta, thước lỗ ban 42.9cm và 38.8cm được tích hợp chung trên thước cuộn bằng sắt và bán rộng rãi trên thị trường. Riêng thước 52.2cm không sản xuất, chỉ có thể tra cứu qua sách hoặc phần mềm thước lỗ ban online.

    Cách sử dụng thước lỗ ban (thước cuộn, dây)

    Để đo đạc chính xác khi dùng thước lỗ ban, cần nắm rõ:

    - Cấu tạo của thước lỗ ban thông thường có 3 phần chính: 

    • Hàng thứ 1: Chỉ kích thước đo (đơn vị tính cm).

    • Hàng thứ 2: Cung theo kích thước lỗ ban 38.8cm

    • Hàng thứ 3: Cung theo kích thước lỗ ban 42.9cm

    Ở phần 2 và phần 3 của thước lỗ ban có các ký hiệu cung đỏ (tốt), cung đen (xấu).

    - Cách sử dụng thước lỗ ban:

    + Khi đo đạc, nếu khoảng đo rơi vào cung đỏ thì đó là kích thước đẹp, tốt. Nếu rơi vào cung đen thì đó là kích thước chưa được đẹp theo quan niệm phong thủy.

    - Nguyên tắc đo:

    + Đo cửa: Đo kích thước khung cửa, không đo cánh cửa

    + Đo chiều cao nhà: Từ mặt sàn dưới đất lên mặt trần trên.

    + Đo đồ dùng nội thất: đo chiều dài, cao, rộng hoặc đường kính. 

    Cách sử dụng thước lỗ ban đúng cách

    Thông thường, với thước lỗ ban online, người ta áp dụng công thức: “2 đen thì bỏ, 2 đỏ thì dùng” hoặc “3 đen bỏ, 3 đỏ dùng”. 

    Tuy nhiên, việc chọn kích thước phù hợp với phong thủy là một việc, còn đo đạc thế nào để cân đối, đảm bảo an toàn trong xây dựng cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng. Các kiến trúc sư, thợ xây không nên quá cứng nhắc trong việc dùng thước lỗ ban vì có thể dẫn đến sai số, giảm độ bền của công trình.

    Bảng tra nhanh thước Lỗ Ban 52.2

    tra nhanh thuoc lo ban 52.2

    tra nhanh thuoc lo ban 52.2 - 2

     

    1. Thước Lỗ Ban 52.2cm (Thông thủy)

    Thước 52,2cm dùng để đo khoảng không thông thủy (cửa đi, cửa sổ, chiều cao tầng, giếng trời…)

    Chiều dài chuẩn của thước Lỗ Ban này là 520mm. Được chia thành 8 cung lớn: theo thứ tự từ cung Quý Nhân, Hiểm Họa, Thiên Tai, Thiên Tài, Nhân Lộc, Cô Độc, Thiên Tặc, Tể Tướng. Mỗi cung lớn có độ dài 65mm, các cung lớn lại được chia thành 5 cung nhỏ, mỗi cung nhỏ dài 13mm. Khi sử dụng thước thấy thước nào có 8 cung lớn với tên như trên (Quý Nhân, Hiểm Họa,..) thì đó là thước Lỗ Ban 52cm.

    2. Thước Lỗ Ban 42.9cm (Dương trạch)

    Thước 42,9cm sử dụng trong khối xây dựng (bếp, bệ, bậc…). Chiều dài chuẩn của thước Lỗ Ban này là 429mm, được chia ra thành 8 cung lớn: Theo thứ tự từ cung Tài, Bệnh, Ly, Nghĩa, Quan, Nạn, Hại, Mạng. Mỗi cung lớn có độ dài là 53,625mm, mỗi cung lớn lại được chia thành 4 cung nhỏ, mỗi cung nhỏ dài 13,4mm. Khi sử dụng thước thấy thước nào có 8 cung lớn với tên như trên (Tài, Bệnh, Ly, Nghĩa…) thì đó là thước Lỗ Ban 42,9cm.

    3. Thước Lỗ Ban 38.8cm (Âm phần)

    Thước 38,8cm hay 39cm sử dụng trong Đồ nội thất, âm phần (bàn thờ, tủ, mộ phần…). Chiều dài chuẩn của thước này là 390mm, được ra làm 10 cung lớn: theo thứ tự Đinh, Hại, Vượng, Khổ, Nghĩa, Quan, Tử, Hưng, Thất, Tài. Mỗi cung lớn có độ dài 39mm, mỗi cung lớn lại được chia thành 4 cung nhỏ, mỗi cung nhỏ dài 9,75mm. Khi sử dụng thước, thấy thước nào có 10 cung lớn với tên như trên (Đinh, Hại, Vượng, Khổ…) thì đó là thước Lỗ Ban 38,8cm.

    Nguyên tắc đo:

    • Đo cửa: là đo kích thước thông thủy (thông khí) khung cửa, không đo cánh cửa.
    • Đo chiều cao nhà: là đo từ mặt cốt sàn dưới lên mặt cốt sàn trên (bao gồm cả lớp lát sàn).
    • Đo vật dụng (bàn ghế, giường tủ…): là đo kích thước phủ bì dài, rộng, cao hoặc đường kính